Ảnh minh họa
Trong năm 2015 vừa qua, do tình hình thời tiết diễn biến bất lợi, người nuôi tôm công nghiệp tại tỉnh Cà Mau bị thiệt hại nhiều, kiểm soát giống và dịch bệnh còn hạn chế. Mặt khác, do mô hình này cho lợi nhuận cao nên người dân đã tự ý mở rộng diện tích nuôi tôm mà không theo quy hoạch của tỉnh. Chính vì vậy, năm 2016, ngoài phấn đấu đưa diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng cao, ngành chức năng còn tập trung quy hoạch vùng nuôi trọng điểm, phát triển hạ tầng thiết yếu để phục vụ cho người nuôi tôm.
Bên cạnh tôm công nghiệp, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến cũng sẽ tăng tương ứng 15% so với cùng kỳ năm 2015, nâng tổng số diện tích nuôi tôm theo hình thức này lên 90.000ha. Nuôi tôm quảng canh cải tiến được xem là hình thức tổ chức sản xuất mang tính bền vững, độ an toàn cao hơn so với nuôi tôm công nghiệp. Đa phần các hộ nuôi đều đạt kết quả khá khả quan, cho thu nhập ổn định, góp phần cải thiện kinh tế hộ gia đình trong thời gian gần đây. Trong những ngày đầu năm, tình hình đánh bắt thủy sản có phần khả quan, phần lớn ngư dân trúng mùa. Thêm vào đó, giá một số mặt hàng khai thác biển đang ổn định ở mức khá cao, một số mặt hàng còn được xuất khẩu. Cùng với đó là giá xăng dầu giảm mạnh, điều này đã làm giảm đáng chi phí sản xuất cho ngư dân. Đây là tín hiệu vui và hứa hẹn một vụ mùa thắng lợi cho ngư dân khai thác thủy hải sản của tỉnh Cà Mau nói riêng và của cả nước nói chung.
Trong năm qua, tình hình nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài, nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh, năm nay Cà Mau sẽ triển khai một số mô hình sản xuất mới, tăng cường hướng dẫn khoa học - kỹ thuật cho nông dân để tăng năng suất. Ngoài ra, bước vào năm 2016, tỉnh Cà Mau đang chú trọng phát triển chương trình tôm giống sạch giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó phấn đấu đến năm 2020 sẽ cung cấp 20 tỷ con tôm giống sạch cho nông dân. Góp phần ổn định và đáp ứng lượng tôm giống thiếu hụt so với nhu câu thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh. Lượng tôm giống sạch này sẽ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu tôm giống cho người nuôi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở đã tham mưu đầu tư khu sản xuất tôm giống tập trung tại huyện Ngọc Hiển; với trại sản xuất giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 50ha, sản lượng khoảng 7 tỷ con giống/năm; đang triển khai giai đoạn 2 với quy mô 66ha, sản lượng khoảng 8 tỷ con giống/năm, khi giai đoạn 2 hoàn thành, sản lượng tôm giống của tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Hiện nay, nhu cầu tôm giống của tỉnh mỗi năm khoảng 19 tỷ con tôm sú và 8,5 tỷ tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất tôm giống chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, số còn lại được cung ứng từ các tỉnh ngoài. Đây cũng là vấn đề gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý chất lượng.
Fistenet